Những ca khúc hay, giai điệu đẹp, những hoạt cảnh xúc động và cả những giây phút lịch sử chân thực được kết nối thành một câu chuyện xuyên suốt kể về hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ cậu bé Làng Sen đến 10 năm đèn sách ở xứ Huế, đến hành trình ra đi tìm đường cứu nước của cậu thanh niên 18 tuổi Nguyễn Tất Thành. Và sau những mùa đông trắng bôn ba xứ người, tìm ra con đường cho dân tộc, Người trở về, giữa rừng Pác Bó, chỉ đạo quân và dân ta, vẽ nên hình hài đất nước, đánh Pháp, đuổi Mỹ, mở ra con đường độc lập, tự do cho dân tộc. Trong chiều dài lịch sử đó, có những giây phút ngọt ngào lắng đọng, có cả những chấm phá thăng trầm và bừng lên là tình yêu với vị lãnh tụ của dân tộc và niềm tin rạng ngời vào con đường mà Người đã chọn. Trong không gian thấm đẫm tình yêu và xúc cảm ấy, mỗi tiết mục đều chạm đến trái tim của khán giả, theo một cách riêng.
Mở đầu Lời Bác dặn trước lúc đi xa là hình ảnh đất nước trong những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước không chỉ là một khái niệm lớn lao, vĩ đại, trừu tượng xa xôi. “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc/ Tóc mẹ thì bới sau đầu/ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn/ Cái kèo, cái cột thành tên”… Đất nước ấy đã sinh ra bao anh hùng, hào kiệt. Và vào đúng mùa sen nở 129 năm về trước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một đóa sen đẹp nhất đã khoe hương sắc. Ngày ấy, đất nước, quê hương còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ của thực dân, phong kiến. Ông ngoại Bác, một nhà nho yêu nước vẫn luôn vững lòng tin: “Non nước châu Hoan đẹp tuyệt vời / Sinh ra trung nghĩa biết bao người”. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, tàn phá do giặc giã, thiên tai; trong khổ đau vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường, trong đói nghèo vẫn “đói sạch, rách thơm”; là “đất phên dậu”, “đất Cối Kê”, là “thành đồng ao nóng của nước”.
“Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. Tư tưởng của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ miền quê ấy, từ những lời răn dạy ấy của tiền nhân. Màn biểu diễn phức hợp của những nghệ sĩ tên tuổi: NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo, NSND Quốc Hưng, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Tố Nga, Tân Nhàn, Lê Anh Dũng…với ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, như một lần nữa khẳng định, niềm tin và tình yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh của mỗi người dân Việt Nam, hội tụ trong dân tộc Việt Nam. “Tôi hát ngàn lời ca, bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông. Tôi hát ngàn lời ca, nồng nàn hơn nắng ban mai, đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài, là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người! Là một niềm tin Hồ Chí Minh!”.
Trong âm hưởng tự hào ấy, không gian sâu lắng đưa khán giả trở về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với làn điệu ví giặm ngọt ngào, với câu hò Huế da diết. Mẹ bệnh chết giữa kinh thành Huế, cậu bé hơn 10 tuổi Nguyễn Sinh Cung phải tự tay lo liệu chôn cất mẹ giữa những quy định khắt khe của triều đình Huế. Hoạt cảnh Hồ Chí Minh- Hồi ức màu đỏ và hát múa: Bác Hồ có một chuyến đi khiến cả khán phòng Nhà hát Lớn như lặng đi, và không ít người đã lau nước mắt, để cho lòng mình hòa cùng nỗi đau của Người. Từ gian khổ ấy, Người ra đi tìm hình của nước. Lời người ra đi tìm tự do cho đồng bào, tìm độc lập cho đất nước được thể hiện bằng giai điệu ngọt ngào của nghệ thuật cải lương. Trên hành trình dặm dài ấy, dấu chân Người không nhẹ như mây, dấu chân Người không êm không ấm, dấu chân Người không là dấu nắng, mười ngón trăn trở bầm sâu, dấu chân của dáng đứng lâu, nặng hai vai là Tổ quốc.
Người trở về giữa rừng Pác Bó, lãnh đạo quân và dân ta giành độc lập, tự do. Những Mười chín tháng Tám, Trường ca Sông Lô, Giải phóng Điện Biên Phủ….là những mốc son lịch sử được khắc họa bằng âm nhạc, đưa mỗi khán giả trở về hơn 50 năm trước, trong niềm tự hào và khí thế của một dân tộc nhỏ bé làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Và trong tâm thế tự hào ấy, cả dân tộc đi vào giai đoạn chống Mỹ. Chào anh, anh giải phóng quân; Đêm Trường Sơn nhớ Bác; Bác vẫn cùng chúng chau hành quân… và dẫu cho đất nước chưa thống nhất, nhưng Hà Nội, Huế, Sài Gòn luôn sát cánh trong đấu tranh, tất cả vì non sông liền một dải, vì miền Nam luôn trong tim Bác. Nếu Lời Bác dặn trước lúc đi xa là bản giao hưởng đa sắc màu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nốt lặng trong cả bản giao hưởng tuyệt đẹp ấy là giây phút Bác đi xa. NSND Thu Hiền đã đem đến những giai điệu sâu lắng, như thủ thỉ tâm tình, kể cho người nghe về giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nhớ Bác, yêu Bác, dân tộc Việt Nam nguyện thực hiện theo tâm nguyện của Người. 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn, kinh tế xã hội phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Đó là những bông hoa đẹp nhất kết thành Lời ca dâng Bác!
Không giấu được xúc động sau khi thưởng thức chương trình Lời Bác dặn trước lúc đi xa , chị Nguyễn Thị Nhung (Đống Đa- Hà Nội) chia sẻ: “Tôi yêu những ca khúc về Bác và đã nghe đến thuộc làu những ca khúc như Bác Hồ một tình yêu bao la, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Lời Bác dặn trước lúc đi xa…. nhưng khi những ca khúc ấy vang lên trong chương trình này, tôi như lặng đi. Những cảm xúc cứ thế ùa đến, xúc động, thương Bác vô cùng. Lời Bác dặn trước lúc đi xa là chương trình nghệ thuật nào được dàn dựng công phu, hấp dẫn, gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc và tôi thấy xung quanh tôi, nhiều khán giả đã rơi nước mắt, không chỉ một lần”. Vâng, từ lắng nghe đến cảm nhận, trong niềm yêu kính Bác, hẳn mỗi khán giả thưởng thức đêm nhạc sẽ yêu hơn đất nước mình, thêm yêu con người, cuộc sống mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh máu xương để giành được./.
Tác giả: admin