x
Chương trình biểu diễn
Kịch nói ” Lá đơn thứ 72" - Sân khấu Kịch Lệ Ngọc
  • Kịch nói ” Lá đơn thứ 72" - Sân khấu Kịch Lệ Ngọc

  • Lịch: -
  • Giá bán: Liên hệ

Kịch nói "Lá đơn thứ 72″ -Sân khấu Lệ Ngọc

Kịch bản dựa trên một vụ án có thật, được Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao thụ lý. Ông cũng là người đã từng làm rõ nhiều vụ án oan sai tưởng như không thể lật ngược được bởi những chứng cứ đều chỉ về phạm nhân mà tiêu biểu là vụ án của ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án vì tội giết người. Thân trong ngục tù, bị đối xử như một kẻ giết người, nhưng ông không mất niềm tin vào công lý. Liên tục trong suốt 8 năm trời ông không ngừng làm đơn kêu oan gửi tới Bác Hồ và cuối cùng, lá đơn thứ 72 cũng đã tới được tay Người để rồi nhờ vào chỉ thị của Bác, ông Đỗ Văn Chồi đã được minh oan.

25 26 2022 lá đơn 72 2

Từ câu chuyện có thật này, tác giả Hoàng Thanh Du đã viết kịch bản Lá đơn thứ 72, NSND Lê Tiến Thọ làm đạo diễn, thiết kế sân khấu: NSND Vương Duy Biên, đồ họa: Xuân Lê… Dàn diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc tham gia thể hiện bao gồm: Nghệ sĩ Văn Hải vai Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc vai vợ Đỗ Minh, Anh Tuấn vai Đỗ Minh, NSƯT Hoàng Tùng vai Vũ Kỳ, Hán Huy Bách vai Viện trưởng, Lê Chí Kiên vai giám thị trại giam, Lâm Cương vai Tùng và Công Phùng vai Dư, những cán bộ điều tra… Nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được tác giả đổi tên nhân vật là Đỗ Minh, có số hiệu phạm nhân là 003. Phạm nhân đặc biệt này đã liên tục “làm phiền” các cấp lãnh đạo trại giam cũng như Viện Kiểm sát vì không ngừng tự kêu oan qua các bức thư trong suốt 8 năm bị giam cầm. Cùng với niềm tin vào lẽ phải, Đỗ Minh còn gây ấn tượng tốt cho người từng nghe chuyện của ông: dù bị tước quyền công dân, bị tước Đảng tịch nhưng ông luôn dành dụm số tiền lao động ít ỏi trong trại giam để đóng Đảng phí như một cách thể hiện niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Những việc làm bình dị này cũng là một trong những lý do khiến Hồ Chủ tịch tin tưởng, rất có khả năng người tù này bị oan sai, kiên quyết yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra lại vụ án vì Người khẳng định, “Bác mong muốn xã hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta đã có độc lập, đã có tự do và bây giờ thì hạnh phúc phải đủ. Khi nhân dân còn gửi đơn thư là còn tin ở chính quyền, ở công lý” (lời thoại của nhân vật). Đó cũng là thông điệp mà đạo diễn và ê kip sáng tạo mong muốn gửi tới khán giả: Xã hội đã có độc lập tự do phải đấu tranh cho hạnh phúc, lo cho mỗi con người chính là lo cho cả xã hội…

Sân khấu thiết kế tối giản nhưng tinh tế Từng vào vai rất thành công hình tượng Bác Hồ ở các tác phẩm tuồng hiện đại, NSND Lê Tiến Thọ yêu cầu rất cao đối với vai diễn chủ chốt của tác phẩm. Không chỉ là hình dáng bên ngoài mà ông còn yêu cầu phải lột tả được cốt cách, thần thái, cách nhả chữ… để khi xuất hiện, tất cả công chúng đều phải nhận ra, đó chính là Bác Hồ kính yêu mà lại hết sức gần gũi đối với họ. Trưởng thành từ nghệ thuật Tuồng, ông cũng hiểu rất rõ những nguyên tắc của sân khấu ước lệ, của những cảnh diễn giàu tính biểu cảm thông qua những chi tiết chọn lọc. Vậy nên, cùng với họa sĩ thiết kế, ông đã tạo dựng trang trí rất chắt lọc mà vẫn gợi, vẫn duy mỹ… Chỉ bằng vào những tấm phông cứng đa năng, di động nhanh gọn, nhiều cảnh diễn đã được tạo dựng để hỗ trợ tốt nhất cho diễn xuất của diễn viên. Có nhiều màn, nhiều phân đoạn xử lý của đạo diễn khiến người xem nể phục như sự di chuyển không gian từ phòng giam ra phòng gặp người thân, cảnh phạm nhân 003 mừng rỡ ôm lá thư trả lời của Bác vào ngực, cũng là lúc người xem có thể nhìn thấy, lá thư hiện lên hình Bác Hồ… Rồi cảnh Bác Hồ xuất hiện, trang nhã, thân thiết mà rạng rỡ… Hay những cảnh rất thân thuộc từ những năm 60 của thế kỷ XX như cảnh quán nước chè chén bên hè phố cổ… Đặc biệt, để làm mềm đi, giảm tải những câu thoại quá nghiêm ngắn là những nét hài nho nhỏ của những nhân vật đại diện cho chính quyền nhưng lại không xứng vai trò như điều tra viên Tùng, công an khu phố do Lâm Cương thể hiện đã khiến người xem bật cười, tiếng cười chê trách, phê phán. Tính thời sự đậm nét, có sự phản biện đối với những căn bệnh của quan chức thời hiện tại như tham nhũng, nhũng nhiễu người dân, đục khoét công quỹ… cũng được đưa vào đủ liều lượng ở phân cảnh trong trại giam với các nhân vật phạm nhân. Vở diễn là sự chỉn chu, chau chuốt kỹ lưỡng từng chi tiết, hợp lý và chắt lọc ở cảnh diễn khiến chuyện một vụ án oan bỗng trở nên thật hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả.

Dịp này, sân khấu có nhiều tác phẩm xây dựng hình tượng Bác như Nhà hát Kịch Việt Nam với chùm kịch về Bác, vở nhạc kịch Người cầm lái của Nhà hát Công an nhân dân… Lá đơn thứ 72 tiếp nối vào chuỗi sự kiện đó, kỷ niệm thiết thực 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng đáng quý hơn ở một đơn vị tư nhân như Sân khấu Lệ Ngọc, vẫn quyết tri ân với Người bằng một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, ghi nhận sự cố gắng hết mình của tập thể nghệ sĩ và của những người đứng đầu sân khấu này.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

 Từ khóa: Kịch
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây